HIỂU VỀ ĐIỆN PHÂN MAGIÊ

Gần đây trên thị trường Việt Nam xuất hiện một loại máy lọc nước sử dụng bộ điện phân ma giê và tự nhận là ion kiềm ma giê. Cấu tạo của máy này bao gồm một máy RO thông thường gắn thêm một bộ phận được gọi là bộ điện phân ma giê. Không có gì đáng nói nếu chỉ là máy lọc nước RO. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ bộ phận điện phân sử dụng các điện cực bằng các thanh magie khi cho dòng điện 1 chiều chạy qua thanh ma giê sẽ thôi ra nước từ đó làm tăng pH kiềm.
Vậy câu hỏi đặt ra đây có phải là công nghệ ion kiềm không? Liệu có an toàn khi sử dụng điện phân ma giê? Có phải là phát minh của Việt Nam mà chưa ai tìm ra trước đó? Các nhà khoa học trên thế giới nói gì về công nghệ này?
[Trước hết, ta cần tìm hiểu bản chất điện phân ma giê là gì?]
Công nghệ điện phân đã được dạy trong các trường phổ thông là hiện tượng khi cho dòng điện 1 chiều chạy qua 2 cực kim loại 1 âm và 1 dương trong môi trường dung môi là nước, thì có ngay hiện tượng cực dương tan ra, thôi ra. Trong trường hợp này cực dương là các thanh ma giê sẽ không đơn thuần là tan ra vì dưới tác động của dòng điện là đã làm biến đối tính chất hoá lý của ma giê như vậy dùng từ thôi ra nước là chính xác hơn.
[Điện phân ma giê có phải là ion kiềm?]
Không phải. Ion kiềm cũng sử dụng dòng điện 1 chiều chạy qua 2 bản cực âm dương. Tuy nhiên công nghệ ion kiềm điện giải từ các ion khoáng tự nhiên có trong nước chứ không phải tan ra, thôi ra từ các điện cực. Các điện cực của công nghệ ion kiềm được làm từ các kim loại quý là titan và platin có độ tinh khiết cao, độ bền cao đặc biệt không bị thôi ra nước khi điện phân. Hơn nữa ion kiềm khác so với điện phân ma giê là có màng trao đổi ion để tách dòng ion một bên là a xít và 1 bên là ion kiềm. Do đó ion kiềm không còn là công nghệ điện phân đơn thuần và gọi chính xác hơn là công nghệ điện giải. Như vậy điện phân ma giê không phải là công nghệ ion kiềm, việc đánh tráo khái niệm của người bán máy điện phân ma giê chủ yếu nhằm mục đích “ăn theo” làn sóng sử dụng máy ion kiềm ngày một tăng cao.
[Điện phân ma giê có phải do người Việt phát minh đầu tiên?]
Điều này không đúng. Tại Mỹ từ năm 1967 trong đăng ký phát minh của mình một nhà khoa học Mỹ có tên W.N. Carson đã đăng ký phát minh công nghệ điện phân ma giê. Công nghệ này sau đó được đề xuất sử dụng trong chăn nuôi để tăng hàm lượng khoáng chất cho vật nuôi. Tuy nhiên, cũng do những lo ngại về tính an toàn và nguy cơ nhiễm kim loại nặng đặc biệt là nhiễm chì khi điện phân nên từ sau đó việc sử dụng trong chăn nuôi cũng không trở nên phổ biến. Như vậy, công nghệ này không hề mới và tại sao trên thế giới chỉ duy nhất gần đây một số công ty về lọc nước ở Việt Nam mang ra ứng dụng cho người?
[Liệu điện phân ma giê có an toàn khi dùng cho nước uống?]
Đây vẫn là những câu hỏi lớn. Với kinh nghiệm trong ngành và trên nguyên tắc cẩn trọng về mặt khoa học, người viết khuyến cáo cần có sự đánh giá kỹ lưỡng và sự vào cuộc của các nhà khoa học để tìm hiểu kỹ lưỡng về nguy cơ, rủi ro có thể có cho sức khoẻ con người của công nghệ này. Ngoài ra, một sản phẩm liên quan đến sức khoẻ cần có thời gian sử dụng, thử nghiệm từ 5-10 năm để đánh giá các rủi ro có thể có của công nghệ này trong thực tế và trong tương lai. Việc một sản phẩm sức khoẻ bất kỳ vội vàng chạy theo lợi nhuận mà chưa làm đủ các quy trình an toàn sẽ mang lại rủi ro cho người sử dụng. Không thể lấy sức khoẻ người dùng ra để làm thử nghiệm cho một sản phẩm mới nếu chưa được kiểm chứng đủ sâu và đủ lâu.
[Các tiêu chuẩn quốc tế giám sát an toàn về y tế có cần thiết với Điện phân ma giê]
Nếu chỉ là một máy RO thông thường tạo ra nước tinh khiết thì quy trình sản xuất không cần phải giám sát theo chuẩn y tế. Tuy nhiên khi một máy lọc nước ion kiềm, điện phân ma giê hay bất cứ công nghệ gì sử dụng dòng điện làm biến đổi tính chất của nước nhằm chăm sóc sức khoẻ thì đều phải giám sát theo các chuẩn y tế. Trước khi viết bài này, người viết đã tham khảo nhiều chuyên gia đầu ngành về nước trên Thế giới tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Ở các quốc gia tiên tiến này thì nhà máy sản xuất về ion kiềm bắt buộc phải được giám sát bởi hệ thống GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), các tiêu chuẩn cần thiết ISO về y tế là ISO 13485, tiêu chuẩn an toàn phòng ngừa rủi ro ROHS là các vật liệu tiếp xúc với nước không có nguy cơ mất an toàn cho người, cao hơn nữa là tiêu chuẩn FDA do Cục quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ cấp.
Vậy tại sao phải có các tiêu chuẩn này? Việt Nam chúng ta có cần không? Một sản phẩm liên quan đến sức khoẻ nếu nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận có thể gây hậu quả, thậm chí nghiêm trọng cho sức khoẻ người dùng cả trong hiện tại và cả nguy cơ trong tương lai. Các tiêu chuẩn và quy trình giám sát chất lượng chính là khâu đảm bảo bắt buộc các nhà sản xuất phải tuân thủ nếu muốn bán ra thị trường. Như vậy tiêu chuẩn quan trọng với sản phẩm cũng như pháp luật quan trọng với một quốc gia nếu không có nó hoặc xem nhẹ thì quốc gia đó ắt đại loạn, sản phẩm ắt có nguy cơ gây mất an toàn cho người dùng. Người viết thực sự thấy hoang mang khi tìm hiểu một số đơn vị bán máy điện phân ma giê thì chỉ có tờ giấy kiểm nghiệm theo Tiêu chuẩn nước uống đóng chai dùng để kiểm tra nước đầu ra từ bộ phận máy RO. Tiêu chuẩn này gần như tất cả các máy RO bán ra thị trường đều có. Điều quan trọng là bộ phận điện phân ma giê chưa được Giám sát theo quy trình nào về y tế, chưa có thử nghiệm và đánh giá ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ như Rohs, chưa tuân thủ quy trình quản lý chất lượng tổng thể về mặt y khoa như ISO 13485. Đây chính là quan ngại lớn mà người viết đề xuất các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có sự kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn cho nhà sản xuất để đặt mục tiêu an toàn sức khoẻ cho người dùng là trên hết và trước hết.
Cuối cùng, khoa học công nghệ giúp bảo vệ sức khoẻ của con người và đó là chân lý của khoa học. Tuy nhiên, việc quan tâm đến sự an toàn cho người sử dụng cần phải đặt lên hàng đầu. Việc nhận diện các yếu tố gây mất an toàn vừa là trách nhiệm của nhà sản xuất kinh doanh, của cơ quan quản lý nhà nước và của cả người tiêu dùng. Các sản phẩm chất lượng kém, nguy cơ mất an toàn sẽ không có chỗ đứng khi các thông tin khoa học trở lên minh bạch, các tiêu chuẩn trở thành đương nhiên phải có và khi đó người dùng trở lên thông thái hơn khi lựa chọn sản phẩm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *